Phòng tránh bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng nghĩa là nói đến việc tránh cho mắc phải hay tránh bị tái phát bệnh trong cuộc sồng thường ngày. Để phòng tránh có hiệu quả ta cần hiểu rõ cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân gây bệnh (xin đọc ở các mục trên). Qua thực tế lâm sàng hiện nay tôi thấy rằng tỷ lệ người bị viêm loét dạ dày rất cao ngay cả ở trẻ em bởi một số nguyên nhân chính sau đây, do vậy việc phòng tránh cũng theo đó mà áp dụng chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao.
- Đầu tiên phải nói đến nguyên nhân hay gặp và có tỷ lệ người mắc cao nhất là do căng thẳng tinh thần, áp lực cuộc sống (stress), thức đêm, mất ngủ kéo dài, sinh hoạt và làm việc thất thường….. bệnh không những xảy ra ở người lớn mà còn ở cả các cháu nhỏ tiêu biểu là các cháu mới vào lớp 1, trước kỳ thi hay ở những cháu bị học tập quá tải.
Để giải quyết vấn đề này nói thì dễ mà thực hiện thì khó, nhưng ta cần chủ động giải tỏa tâm lý, tinh thần, hít thở sâu, thể dục hay tích cực tìm công việc nào đó khác để tìm quên hay thay đổi không khí cho thanh thản, cố gắng điều chỉnh lịch làm việc (nếu có thể) hoặc bất đắc dĩ thì nên hòa nhập (thích ứng) tối đa với điều kiện làm việc đó. Đối với các cháu nhỏ khi bị áp lực khi học tập nhiều quá rất dễ bị đau dạ dày nên cha mẹ cần quan tâm theo dõi các cháu để điều chỉnh việc học tập của các cháu cho hợp lý và ngay khi mới thấy các cháu có dấu hiệu đầy bụng, chán ăn nên cho các cháu uống men tiêu hóa để phòng tránh bệnh tiến triển.
- Thứ hai là phải nói đến sự lạm dụng các thuốc kháng viêm giảm đau (ngoại trừ paracetamol - acetaminophen liều cao độc với gan thận) và thuốc chứa corticoid thường làm bệnh tiến triển rất nhanh, hay gây loét cấp. Đề phòng bằng cách tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự mua các thuốc này để sử dụng, khi phải dùng thì cần uống sau ăn và kết hợp thuốc bảo vệ dạ dày.
- Thứ ba là do ăn uống thất thường, ăn vội vã, no quá hoặc đói quá, ăn chua cay quá hoặc nhiều người có thói quen uống nước cam chanh ngay cả lúc đói, nhiều người hay cho các cháu nhỏ uống nước cam khi cháu đi học về bụng đang đói nên nguy cơ loét dạ dày rất cao. Nên điều chỉnh lại thói quen ăn uống này.
- Thứ tư là thói quen uống rượu bia quá mức, nhất là ép nhau uống nhiều tạo nên nồng độ cao làm gia tăng ăn mòn niêm mạc dạ dày, có thể xuất huyết tiêu hóa cấp tính và chưa kể đến rượu giả còn nguy cơ ngộ độc cao. Nên chủ động hạn chế.
- Thứ năm là viêm loét dạ dày có yếu tố vi khuẩn HP, phòng tránh bằng cách định kỳ thử test HP (thử men urease qua hơi thở) và không nên mớm khi cho các cháu bé ăn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh các bạn nên chủ động phòng tránh để mang lại sức khỏe cho mình cũng như người thân trong gia đình và nên điều trị ngay khi mới có dấu hiệu của bệnh.
"Sức khỏe là tài sản vô giá "
Chúc các bạn sức khỏe và hạnh phúc !
Lương y : Vũ Ngọc Khương.