Giới thiệu

ảnh phòng khám

Chào các bạn ! Đây là website của lương y - dược sĩ Vũ Ngọc Khương – hiệu là Khương Phúc - cháu nội Cụ Lang Sản . Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Khương Phúc, giấy phép hoạt động số 239/HNO - GPHĐ của Sở Y tế Hà Nội cấp. Gia đình Cụ Lang Sản có nghề thuốc đông y gia truyền đã nhiều đời nối tiếp nhau làm thuốc (7 đời ). Chữa được nhiều bệnh nan y , nổi tiếng ngày xưa .  Thời đó Tây y còn hạn chế, chủ yếu là dùng đông y, thuốc nam.

Ngày nay với kiến thức đông – tây y đã học, tôi đang cố gắng kế thừa và phát huy những bài thuốc , kinh nghiệm chữa trị của các cụ xưa để lại kết hợp với kiến thức YHCT và YHHĐ đã được học nhằm đem chút tài mọn góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Để phát huy truyền thống của gia đình, con trai tôi cũng là bác sĩ Y học cổ truyền, theo học tại Đại học y Hà Nội. Con gái tôi cũng học bác sĩ y học cổ truyền tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

Tôi viết website này để giao lưu , chia sẻ với bạn bè , đồng nghiệp , những người quan tâm đến YHCT  hoặc những bệnh nhân có nhu cầu tìm hiểu về bệnh lý và chữa trị bằng đông y.

Những thông tin được viết ở trang này chỉ để tham khảo , không phải để áp dụng vào chữa bệnh nhất là những người không có chuyên môn không nên tự điều trị mà phải đến thầy thuốc chẩn trị mới đem lại kết quả tốt (tôi không chịu trách nhiệm về điều này), tránh điều đáng tiếc ngoài ý muốn và tự mình điều trị có khi còn tốn kém hơn nhiều .

Nói về YHCT hay YHHĐ cũng như các ngành khoa học khác là cả một chân trời bất tận chờ chúng ta khám phá . Không ai nói rằng mình đã đạt đến đỉnh cao hay cho rằng kiến thức người xưa , kinh nghiệm dân gian là không có căn cứ khoa học . Trong ngành y phải hướng đến điểm cuối cùng là chữa khỏi bệnh - đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bệnh nhân đồng thời chi phí cũng phải thấp nhất có thể .

Vì vậy là Lương y ( gọi chung cho các thầy thuốc YHCT ) chúng ta cố gắng kế thừa kinh nghiệm của cha ông để lại , đừng vì khó khăn mà bỏ qua , hoặc cũng đừng quá cầu kỳ theo những phương pháp không cần thiết cho phù hợp với nền YHHĐ ngày nay .

Đông y gia truyền Khương Phúc chuyên chữa một số bệnh chính sau đây: Xem ở mục thuốc đặc trị.

 

Đông y gia truyền Khương Phúc đã được Vinh Danh cùng với nhiều giấy khen khác từ các cơ quan báo chí và tổ chức xã hội.

Đối với lương y  ngoài khả năng trình độ ra thì cái tâm trong sáng là nền tảng của y thuật.

          Vậy xin đem những lời di huấn của cụ Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác để những người Lương y chúng ta lấy đó làm tấm gương răn mình :                                                   

NHỮNG LỜI DẠY CỦA “HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG” LÊ HỮU TRÁC

8 tội người thầy thuốc cần tránh:

1. Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương, đó là tội lười.

2. Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.

3. Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam.

4. Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.

5. Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu lời nên không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.

6. Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.

7. Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.

8. Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.

9 điều y huấn cách ngôn của Danh Y Hải Thượng Lãn Ông:

1 – “Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo làm người, có thông lý luận đạo làm người thì học thuốc mới giỏi. Khi có chút thì giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa thâu nhập được vào tâm thấy rõ được ở mắt, thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không sợ sai lầm.

2 – Phàm người mời đi thǎm bệnh, nên tùy bệnh cần kíp hay không, mà sắp đặt đi thǎm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo hèn, mà nơi đến trước, chỗ đến sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém. Khi lòng mình có chỗ không thành thật, thì khó mong thu được hiệu quả.

3 – Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái và đàn bà góa, ni cô cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng mà thǎm bệnh , để tránh hết sự nghi ngờ ; dù cho đến con hát, nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn, coi họ như con nhà tử tế chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.

4 – Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui, như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, nhỡ có bệnh cấp cứu, làm cho người ta sốt ruột mong chờ nguy hại đến tính mệnh con người. Vậy cần phải biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào?

5 – Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa tuy đó là lòng tốt song phải nói rõ cho gia đình người ốm biết trước rồi mới cho thuốc ; lại có khi phải cho không cả thuốc như thế thì thuốc uống nếu có công hiệu thì người ta sẽ biết cảm phục mình ; nếu không khỏi bệnh, cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không bị hổ thẹn.

6 – Phàm chuẩn bị thuốc men thì nên mua giá cao, để được thứ tốt. Theo sách Lôi công mà bào chế và cất giữ thuốc men cho cẩn thận. Hoặc y theo từng phương mà bào chế, hoặc tùy thời tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, chớ nên tự lập ra những phương bừa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đan nên chế sẵn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.

7 – Khi gặp bạn đồng nghiệp cần nên khiêm tốn hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn không nên khinh nhờn. Người hơn tuổi mình thì kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình.

8 – Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng, hay những người mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, càng nên chǎm sóc đặc biệt; vì những người giàu sang, không lo không có người chữa ; còn những người nghèo hèn, thì không đủ sức đón được thầy giỏi, vậy ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời. Còn như những người con hiếu thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại tùy sức mình chu cấp cho họ nữa, vì có thuốc mà không có ǎn, thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện, mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh, thì không đáng thương tiếc lắm.

9 – Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí thất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta để cầu lợi, thường hay sinh chuyện ; cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta càng phải giữ phẩm chất cho trong sạch”…

Ông từng dạy các học trò: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.

Những điều khắc cốt ghi xương mà vị thần y đã dạy các học trò:

-         Thầy thuốc không được coi nghề nghiệp của mình như là nghề buôn bán.

-         Thầy thuốc không được lợi dụng nghề nghiệp để lừa dối bệnh nhân.

-         Thầy thuốc phải siêng năng lúc nào cũng nghĩ đến giúp người, đừng vì vui chơi mà bỏ dở cấp cứu.

-         Thầy thuốc không được phân biệt đối xử vì bệnh nhân giàu hay nghèo hèn. Người giàu thì thăm trước, người nghèo sau; người giàu bốc thuốc tốt; người nghèo bốc thuốc xấu.

                                   Lương y : Vũ Ngọc Khương.

0903 288 009

phone