Bệnh đau đầu - đau vai gáy.

793 lượt xem

I. BỆNH ĐAU ĐẦU.

1. Đại cương:

Đau đầu là một trong những cảm giác khó chịu thường gặp nhất của con người. Đau đầu có thể là dấu hiệu của một số bệnh trầm trọng khác hoặc chỉ là mệt mỏi hay căng thẳng thần kinh. Chính vì ý nghĩa hai mặt hoặc là lành tính, hoặc là trầm trọng nên người thầy thuốc phải có thái độ bao quát đối với các trường hợp đau đầu, cần có kiến thức về bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, phương pháp luận lâm sàng để xử lý các trường hợp đau đầu cho chính xác. Khám lâm sàng theo các yếu tố sau.

- Theo cường độ đau:

Nó phụ thuộc vào trạng thái tâm lý từng người: người chịu đựng giỏi có xu hướng coi nhẹ sự khó chịu, ngược lại người hay lo lắng, sầu muộn lại hay quan trọng hóa (điều này người thầy thuốc cần chú ý).

Có mấy gợi ý: cơn đau nửa đầu nặng (Migen), bệnh nhân không thể làm công việc thường ngày. Đau đầu khiến cho BN đang ngủ phải thức dậy hoặc làm BN không ngủ được thường do một nguyên nhân thực thể trong hộp sọ (viêm màng não, xuất huyết dưới màng nhện).

- Theo vị trí đau: (rất giá trị cho chẩn đoán).

Nếu đau xuất phát từ ngoài hộp sọ thường do viêm, tắc các động mạch hoặc tổn thương các xoang mũi, răng, mắt và các đốt sống cổ phía trên.

Nếu tổn thương trong hộp sọ vùng hố sau gây đau vùng gáy chẩm cùng bên.

 

- Theo dõi diễn biến và theo nhịp thời gian:

Cả trong và ngoài cơn đau đều có nhiều tác dụng cho chẩn đoán.

* Đau đầu trong xuất huyết não hay viêm màng não thường xuất hiện thành từng cơn riêng lẻ trong vài ngày. Đau nửa đầu kinh điển hay khởi phát vào buổi sáng hay ban ngày, đỉnh điểm là sau khoảng nửa giờ và kéo dài nhiều giờ đến vài ngày. Thường kèm theo buồn nôn và nôn thực sự.

* Đau đầu trong u não có đặc điểm xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm, làm BN thức giấc. Cường độ đau thay đổi và kéo dài vài phút tới vài giờ.

* Đau đầu trước kỳ kinh giống như đau đầu do căng thẳng thần kinh, giảm và hết ngay sau ngày hành kinh đầu tiên.

* Đau đầu do viêm đốt sống cổ thường dữ dội nhất sau giai đoạn không hoạt động (nằm ngủ dậy).

* Đau đầu do tăng huyết áp cũng giống như trong u não thường xuất hiện lúc sáng ngủ dậy và tăng lên khi hưng phấn hoặc căng thẳng.

* Đau đầu do viêm nhiễm các xoang xuất hiện đều đặn lúc sáng ngủ dậy và giữa buổi sáng, tăng lên khi lắc đầu.

* Đau đầu do gắng sức thường là nhẹ (chiếm 1/10 trường hợp có tổn thương nội sọ) sẽ hết đau sau vài giờ hoặc vài tuần.

2. Chẩn đoán phân biệt:

- Đau nửa đầu: cần phân biệt với động kinh cục bộ (xuất hiện chỉ vài giây) và cơn đột quỵ do tắc mạch máu não.

- Đau đầu do căng thẳng: bao giờ cũng đau cả hai bên và thường từ đỉnh lan ra khu trú ở vùng trán và vùng chẩm gáy. Cảm giác đau như bị cuốn băng chặt. Đau đầu liên tục suốt ngày đêm trong một thời gian dài, ngủ thì đỡ hoặc hết đau, dậy lại đau tiếp. Đau đầu do căng thẳng thường xuất hiện ở những người hay âu sầu, lo âu (stress) đôi khi mắc bệnh tưởng.

- Đau đầu do u mạch, phình mạch: khởi phát đột ngột, dữ dội, đạt mức tối đa trong vài phút có thể kèm theo biến đổi thị giác, tê bì tay chân, thất ngôn, các triệu chứng này tồn tại lâu hơn đau đầu.

- Đau đầu do chấn thương: đau đầu dữ dội, mạn tính, liên tục hay ngắt quãng thường kèm theo choáng váng, quay cuồng, ù tai. Đây là hội chứng cơ bản sau chấn thương (có khi chỉ là chấn thương nhẹ). Lúc đầu không có dấu hiệu gì, sau mới tăng dần, cần chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán xác định.

- Đau đầu do u não: đau đầu là triệu chứng nổi bật nhất trong bệnh u não. Đau ở sau đầu, đau chói như muốn nổ tung. Cơn đau kéo dài từ vài phút tới cả giờ hoặc hơn nữa, có thể có vài cơn trong ngày. Vận động hay thay đổi vị trí thì cơn đau lại xuất hiện, nằm nghỉ thì tần số đau giảm, ban đêm có khi thức giấc do đau. Về sau khi khối u phát triển thì cơn đau dày hơn, nặng hơn. 9/10 số BN đau nửa đầu cùng bên với khối u. Nếu đau nửa đầu rồi lan ra cả đầu thường do tăng áp lực nội sọ.

- Đau đầu liên quan tới bệnh nội khoa: đau đầu là triệu chứng của nhiều bệnh như: sốt do mọi nguyên nhân, bệnh phổi mạn tính có tăng thán khí, suy tuyến giáp, ngừng thuốc corticoid đột ngột, dùng thuốc tránh thai, tăng huyết áp cấp tính, thiếu máu cấp tính, u tuyến thượng thận……

3. Theo y học cổ truyền:

Theo y học cổ truyền đầu là nơi dương khí hội tụ, tinh hoa khí huyết của lục phủ ngũ tạng đều hội tụ ở đầu. Vì vậy tà khí từ bên ngoài xâm phạm hoặc bệnh nội thương làm cho khí thanh dương không lưu thông lên đầu được gây chứng đau đầu, bệnh nhẹ thì gọi là đầu thống, nếu bệnh nặng và kéo dài gọi là chứng đầu phong, não phong. Đông y cũng chia ra các nguyên nhân khác nhau để điều trị.

3.1. Đau đầu do ngoại cảm:

Do người vệ khí suy giảm, thời tiết nóng, lạnh, ẩm thấp quá mức độ làm tà khí thừa hư xâm phạm vào các đường kinh dương hội tụ ở đầu làm kinh mạch bế tắc gây chứng đau đầu.

a. Đau đầu do phong hàn:

Triệu chứng: Sợ lạnh, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi trong, ho, đau đầu có khi lan xuống gáy vai, sau lưng. Gặp gió lạnh đau tăng, không khát, rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn.

Pháp điều trị: sơ phong, tán hàn.

b. Đau đầu do phong nhiệt:

Triệu chứng: phát sốt, sợ gió, họng đau, khát nước, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác. Nếu nặng thì đầu đau như búa bổ, thích uống lạnh, mặt đỏ, miệng lưỡi lở loét, tiểu tiện đỏ, đại tiện bí, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: sơ phong, tán nhiệt.

c.  Đau đầu do phong thấp:

Triệu chứng: đầu đau như bó lại, có cảm giác nặng đầu, chân tay mỏi, bụng đầy chướng, tiểu ít, đại tiện lỏng, rêu lưỡi nhớt bẩn, mạch nhu.  Nếu kèm thêm hàn thì không khát, tiểu tiện trong. Nếu kèm thêm nhiệt thì miệng khát, thích uống nước mát, tiểu tiện đỏ, nước mũi đục.

Pháp điều trị: sơ phong, tán hàn, trừ thấp (nếu là phong hàn thấp).

                       Trừ phong, thanh hóa thấp nhiệt (nếu là phong nhiệt thấp).

d. Đau đầu do phong thấp kết hợp với nhiệt độc – gọi là chứng lôi đầu phong.

Triệu chứng: đau đầu lâu ngày, trong đầu có cảm giác có tiếng ù ù như tiếng sấm, bên ngoài mọc nhiều mụn sưng, đỏ, đau, sốt, sợ nóng, rêu lưỡi nhớt, mạch phù sác.

Pháp điều trị: tuyên thông thăng tán (trừ phong thấp kết hợp thanh nhiệt giải độc).

3.2. Đau đầu do nội nhân:

a. Đau đầu do thận hư:

Triệu chứng: đau đầu kèm theo chóng mặt, ù tai, lưng gối yếu, nam di tinh, nữ ra khí hư nhiều, chất lưỡi đỏ, mạch trầm tế sác là chứng thận âm hư. Nếu đau đầu kèm theo sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau gối mỏi, sinh lý yếu, sắc mặt trắng nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch trầm khẩn là chứng thận dương hư. Do là tiên thiên không đủ hoặc phòng dục quá độ.

Pháp điều trị: Bổ thận dưỡng âm (nếu là thận âm hư).

                       Ôn bổ thận dương (nếu là thận dương hư).

b. Đau đầu do can dương vượng:

Triệu chứng: đau đầu thường xuất hiện do lo nghĩ, giận dữ quá độ, ngủ không yên, tâm phiền dễ cáu, thích yên tĩnh, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền hoặc huyền khẩn – đây là chứng can dương vượng.  

Pháp điều trị: bình can tiềm dương hoặc bình can tức phong.

Nếu đau đầu kèm theo sắc mặt đỏ, miệng khát, tiểu tiện đỏ, đại tiện bí, người choáng váng, nặng vùng đỉnh đầu, rêu lưỡi vàng, mạch huyền tế sác là do thận âm hư không nuôi dưỡng được can mộc (can âm).

Pháp điều trị: bổ can thận âm.

c. Đau đầu do đờm trọc ứ trệ:

Triệu chứng: đầu đau căng kèm theo xây xẩm mặt mũi, ngực đầy chướng, buồn nôn, đờm dãi nhiều, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch hoạt hoặc huyền hoạt.

Pháp điều trị: hóa đờm giáng nghịch.  

d. Đau đầu do khí huyết hư:

Nguyên do lao lực quá độ, hoặc sau khi ốm nặng, hoặc do ăn uống thất thường, suy nhược cơ thể gây nên.

Triệu chứng: Nếu là khí hư: đầu đau âm ỉ liên miên, làm mệt đau tăng, người mệt mỏi, ăn kém, thiểu khí, mạch tế vô lực.

Pháp điều trị : bổ khí  (thêm dưỡng huyết thăng dương).

Nếu là huyết hư: đầu đau váng, tim đập hồi hộp, dễ hoảng sợ, sắc môi nhợt, lưỡi nhợt, mạch hư sáp.

Pháp điều trị: bổ huyết trừ phong.

e. Đau đầu do huyết ứ:

Triệu chứng: đau đầu lâu không hết, đau một chỗ, đau như kim châm, tiền sử có đụng dập vào đầu, lưỡi có ban tím, mạch tế sáp.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ.

g. Đau một nửa đầu:

Triệu chứng: đau một nửa đầu , đau mạnh, hết cơn lại như thường, đó là do kinh can đởm có phong hỏa gây nên.

Pháp điều trị: bình can khu phong.

h. Đầu phong hoặc não phong:

Triệu chứng: đau đầu lâu ngày, lúc đau, lúc không, khi đau thì đầu đau mạnh, ngực hoành đầy, có thể lơ mơ, mạch huyền hoạt.

Pháp điều trị: khu phong thanh nhiệt, khứ ứ hóa đờm.

II. BỆNH ĐAU VAI GÁY.

1. Nguyên nhân:

Đau vai gáy thường cấp tính, có thể do lạnh làm co cứng cân cơ, do gánh vác nặng, gối đầu cao, sai tư thế làm tổn thương dây chằng, có thể do viêm nhiễm, thoái hóa đốt sống cổ ảnh hưởng cân cơ quanh vùng đốt sống cổ gây đau và hạn chế vận động cổ.

2.  Thể lâm sàng:

a. Đau vai gáy do lạnh:

Triệu chứng: sau khi gặp lạnh đột nhiên vai gáy cứng đau, vận động cổ khó, ấn vào cơ thang (ngang vai), cơ ức đòn chũm (dọc 2 bên cổ) thấy đau, bên đau co cứng hơn bên lành, sơ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù.

Pháp điều trị: khu phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc.

b. Đau vai gáy do sai tư thế:

Triệu chứng: sau mang vác nặng, hoặc ngủ dậy sau khi gối đầu cao thấy đau vùng vai gáy, vận động cổ khó (như trên). Mạch phù khẩn.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, thư cân hoạt lạc.

c. Đau vai gáy do thấp nhiệt (viêm nhiễm).

Triệu chứng: đau và hạn chế vận động vùng vai gáy, nhìn cột sống cổ và phần mềm xung quanh thấy sưng, có thể đỏ, sờ nóng, có khi sốt, rêu lưỡi đỏ, mạch phù sác.

Pháp điều trị: khu phong thanh nhiệt giải độc hành khí hoạt huyết.

III. NHẬN XÉT TỔNG QUAN:

Trên thực tế thường gặp các triệu chứng đau đầu – đau vai gáy phối hợp. Đau do ngoại cảm thường mau khỏi, đau do tổn thương thực thể BN thường phải đi điều trị ngay tại bệnh viện. Với các trường hợp đau vai gáy do lạnh, do sai tư thế, do thoái hóa đốt sống cổ lâu ngày làm kinh mạch bế tắc, huyết áp thấp, thiếu máu, căng thẳng thần kinh (stress) làm thiểu năng tuần hoàn não dẫn đến đau đầu. Điều trị phải khai thông bế tắc, hoạt huyết trục tà bệnh sẽ khỏi.

 xem phần : thuốc chữa bệnh đau đầu – đau vai gáy

 

                                                                                               Lương y: Vũ Ngọc Khương.

 

 

Bài viết liên quan

0903 288 009

phone